Ngày 29/12, Blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận: ““Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy” của Tô Lâm sẽ thành công hay thất bại?”.
Theo đó, tác giả cho hay, chưa bao giờ các chỉ dấu thiếu nhất quán lại xuất hiện công khai vào thời điểm cuối năm. Ngày 21/12, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng trong đợt tinh gọn bộ máy sắp tới.
Theo ông Bình, sắp tới, sau khi Bộ Chính trị có kết luận, các cơ quan Đảng sẽ gương mẫu thực hiện tinh gọn trước. Khối Chính phủ và Quốc hội, ngoài hợp nhất các bộ, ủy ban, tất cả các đơn vị phải tinh gọn bên trong, tối thiểu 15 – 20% đầu mối, cá biệt có nơi giảm 40%.
Theo tác giả, cũng lần đầu tiên, Phó Thủ tướng thường trực để cập đến những rủi ro cần tính tới do cuộc sáp nhập “cơ học”, “nhập nhưng có chỗ không hợp lý”, và ông công khai cảnh báo “phải đề phòng”, phải “lường những bất hợp lý của việc hợp nhất…”. Ông thừa nhận, “đây là việc rất khó, cần hạn chế tối đa các rủi ro; vừa làm vừa thăm dò, điều chỉnh, không thể ngay một lúc hoàn thành, nhưng rủi ro phải thấp nhất”.
Một rủi ro khác được ông chỉ ra, tuy vẫn phải nương theo lời Tổng Bí thư là “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng”. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần sắp xếp làm sao tránh để “người tài thì xin nghỉ, người dở ở lại”. Ông Bình yêu cầu làm sao kết hợp cung – cầu, nhưng lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh.
Theo thông tin chưa kiểm chứng được, tổng biên chế hiện nay vào khoảng trên 2 triệu người. Nếu giảm theo tỷ lệ trên thì con số 100.000 ông Phó Thủ tướng đưa ra chẳng thấm tháp vào đâu. Phải chăng vì thế, phát biểu của Phó Thủ tướng bị kéo xuống?
Tác giả trích dẫn một hãng tin quốc tế, cho biết, cuộc tinh gọn có nét tương tự với các biện pháp cắt giảm chi phí của các chính phủ “hậu đại dịch”, đang thực hiện hoặc cam kết trên toàn thế giới, trong đó có cả Tổng thống theo chủ nghĩa tự do Javier Milei của Argentina, và Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Tác giả cũng cho hay, song hành với “cuộc cách mạng tinh giản biên chế”, Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã tăng cường cho kiểm tra, bắt giữ các quan chức ở tất cả các cấp, bao gồm cả các thành viên cấp cao của Bộ Chính trị và các bộ trong chính phủ.
Theo chính Tổng Bí thư Tô Lâm, nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội 12 đến nay, điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện, nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương:
“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị”.
Vẫn theo tác giả, cả những “tác nhân” lẫn “nạn nhân” trong cuộc cách mạng “gia tốc” của Tổng Bí thư đều chưa biết giải quyết kế sinh nhai thế nào, nếu như các cơ quan chỉ “tinh giản” những người không hợp cạ, hay chỉ “sáp nhập” công việc, ngân sách và thiết bị máy móc, nhưng lại “thả nổi” những chuyên gia.
Nếu quả thật trên hàng trăm ngàn cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng, thì nguy cơ gián đoạn trong vận hành bộ máy là rất lớn. Việc hợp nhất hoặc xóa bỏ các cơ quan có thể dẫn đến tình trạng chồng chéo, mất kết nối trong giai đoạn đầu. Việc tinh gọn bộ máy, do đó, dễ đi kèm theo nguy cơ “tê liệt cục bộ”.
Tác giả cho biết, nếu Việt Nam không triển khai theo đúng chính sách về khoa học quản lý, các vấn đề bất lợi sẽ hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng và cộng đồng quốc tế.
Ý Nhi – thoibao.de