Chính phủ ban hành Nghị định 126 nhằm hiện thực hoá Chỉ thị 24

Ngày 16/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Dự án 88: Lo sợ cách mạng màu, Chính phủ ra Nghị định 126 bóp nghẹt hơn quyền lập hội”.

RFA dẫn bản phân tích do tổ chức Dự án 88 công bố ngày 16/12, theo đó, Nghị định 126 “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”, trao cho Chính phủ quyền đình chỉ và giải thể các hội – một quyền sinh sát mà trước đây Chính phủ không có.

Tổ chức phi chính phủ chuyên về nhân quyền Việt Nam, nói rằng, văn bản có hiệu lực từ ngày 26/11, được xây dựng nhằm hiện thực hoá Chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ban hành hồi năm ngoái nhằm hạn chế hoạt động của xã hội dân sự.

Dự án 88 chỉ ra, Nghị định trên trao quyền cho cơ quan hành pháp tùy nghi diễn giải, và ra quyết định về bất cứ hội nào, ví dụ như quy định “không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội…”, nhưng lại không quy định chi tiết.

RFA cho biết, theo Chính phủ, Nghị định 126 là cần thiết để đảm bảo sự kiểm soát của Đảng đối với các hội, ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài vào các vấn đề trong nước, và làm rõ vai trò của các hội trong việc hoạch định chính sách.

RFA dẫn lời ông Lê Thân – Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng, điểm đáng chú ý trong văn bản quy phạm pháp luật này, nằm ở Khoản 2, Điều 10, về Điều kiện thành lập hội, quy định:

“Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó, cùng phạm vi hoạt động.”

Ông Thân khẳng định, chính điều này đã phá vỡ căn nguyên chính của Nghị định này, là căn cứ theo Điều 25 Hiến pháp “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

RFA dẫn nhận định của ông Phil Robertson, Giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á, cho hay, chế độ độc đảng ở Việt Nam coi tất cả các tổ chức xã hội dân sự mà họ không trực tiếp kiểm soát là kẻ thù tiềm tàng, vì vậy, Nghị định 126 phù hợp kế hoạch của Hà Nội nhằm xóa sổ mọi nhóm độc lập hoạt động trong nước.

Ông cho rằng, văn bản dưới luật mới là một rào cản khác của chế độ toàn trị ở Việt Nam, với mục tiêu kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội, cả trong cuộc sống hàng ngày và trực tuyến, giống như ở Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 3/2024, RFA cũng cho biết, Dự án 88 đã công bố về Chỉ thị mật 24 của Bộ Chính trị, và gọi đó là “tuyên truyền chống nhân quyền”.

Bản tin của RFA cho hay, Chỉ thị mật 24 được ban hành ngày 13/7/2023, chỉ 2 tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, cơ quan quyền lực nhất của Đảng nêu bật những thách thức trong việc bảo vệ chế độ khi mở rộng bang giao quốc tế, và yêu cầu toàn thể bộ máy thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm giữ vững thể chế.

RFA dẫn báo cáo của Dự án 88, cho rằng:

Chỉ thị coi tất cả các hình thức thương mại và hợp tác quốc tế là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, và đưa ra một kế hoạch đáng lo ngại nhằm đối phó với những mối đe dọa này, bằng cách vi phạm một cách có hệ thống nhân quyền của 100 triệu công dân của đất nước, những người, do tính chất tuyệt mật của chỉ thị, hoàn toàn không biết nội dung của nó.”

Theo RFA, nội dung Chỉ thị 24 cho thấy, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các mối đe dọa, như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, và cảnh báo khả năng lợi dụng các định chế, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết, để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy “cách mạng màu” hoặc “cách mạng đường phố”.

 

Thu Phương – thoibao.de