Ngày 25/12, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đăng bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Bao giờ có các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế?”
Tác giả đề cập đến việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, và cho rằng, đây là tín hiệu RẤT TÍCH CỰC và chưa từng có.
Tác giả nhận xét, Tổng Bí thư Tô Lâm đang tách khỏi lý luận viển vông, để bước đến khoa học ứng dụng cho thực tiễn.
Việc Bộ Chính trị, ngày 22/12, ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia – cho thấy, ban lãnh đạo hiện thời đã thức tỉnh, rằng, để đưa đất nước phát triển là phải dựa vào khoa học, kỹ thuật và công nghệ, chứ không phải niệm thần chú các lý thuyết lỗi thời không tưởng.
Tác giả nhấn mạnh, đề cao khoa học, thì trước hết phải bổ nhiệm những nhà khoa học giỏi, có tầm nhìn sáng, đứng đầu các cơ quan khoa học và giáo dục, chứ không phải là những người có chứng chỉ lý luận trung cao cấp trường Đảng, không phải là các uỷ viên Trung ương. Yêu cầu chuyên môn là số 1, chứ không phải là đảng viên.
Hơn nữa, theo tác giả, mời người giỏi về làm việc không đủ giúp cho khoa học nước nhà phát triển đột phá. Muốn khoa học phát triển mạnh mẽ thì phải có MÔI TRƯỜNG KHOA HỌC rộng lớn cho tất cả mọi người, trong đó, tự do tỏa sáng cá nhân phải được quán triệt.
Tác giả đánh giá, nghị quyết thường viết bao quát và đẹp đẽ. Nhưng trong thực tế, khoa học và kỹ thuật không được đối xử công bằng. Mong rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 22/12 về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, mà Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương, thì sẽ có số phận khác với các nghị quyết trước đó.
Cậy vào khoa học để đưa đất nước phát triển, thì phải tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học, và phải tìm các giải pháp khoa học cho từng dự án cụ thể. Xây dựng đường sắt Bắc – Nam phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, phải lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, chứ không phải dựa vào quyết tâm chính trị.
Vẫn theo tác giả, mọi dự án phải dựa trên các dữ liệu khoa học, phải sử dụng các thuật toán tối ưu hoá, để vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.
Tác giả đặt câu hỏi: Tổng Bí thư Tô Lâm và các trợ lý của ông đã bao giờ, dù chỉ một phút, nghĩ đến chuyện này chưa?
Trong trường hợp cụ thể đường sắt đô thị Hà Nội, thì một phút của lãnh đạo đất nước, có thể tránh được thiệt hại trị giá cả tỷ USD.
Ở mặt khác, tác giả nêu vấn đề: Các vị lãnh đạo khoa học Việt Nam, có bao giờ nghĩ rằng, đây là cơ hội tốt để đòi tiền chính đáng, mang lại lợi ích cho nước nhà, chứ không phải ngửa tay xin tiền?
Tác giả cho rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn xem các nhà khoa học như là thuộc cấp. Và buồn hơn, các nhà khoa học tự đặt mình vào vị trí thưa gửi.
Từ những biến chuyển vừa qua, nhiều người đang kỳ vọng vào Tổng Bí thư Tô Lâm và đợi chờ những cải cách ôm ấp nhiều thập kỷ.
Tác giả bình luận, không ai có thể giam hãm ước mơ, nhất là đối với các nhà khoa học vốn dĩ đã giàu tưởng tượng. Chỉ có trí tuệ chưa đủ sáng, chỉ có nhân cách bị sùng hà, mới khiến con người lùi bước trước khó khăn, nhắm mắt trước điều xấu.
Chưa đặt mục tiêu cao xa “đạt đẳng cấp quốc tế”, các nhà khoa học chân chính hãy giúp cho người dân tiếp cận với tiến bộ công nghệ AI, hãy cho ra đời các giống mới năng suất cao, hãy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ giúp cho các dự án ngàn tỷ không thua lỗ.
Tác giả kết luận, muốn có những sản phẩm khoa học đạt đẳng cấp quốc tế, sau nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, cần một nghị quyết long trời lở đất về đột phá cơ chế.
Minh Vũ – thoibao.de