Vì sao chủ trương tinh gọn bộ máy khó thành công ở thời điểm hiện tại?

Công cuộc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam – điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “một cuộc cách mạng”,  đang đối mặt với nhiều thách thức và có dấu hiệu bế tắc.

Mặc dù Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm cao trong việc cải tổ bộ máy cồng kềnh, việc đặt mục tiêu hoàn thành trước Đại hội Đảng 14, vào quý 1 năm 2025 là quá ngắn, và do đó, đã đặt ra áp lực lớn cho các cơ quan trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Trên thực tế, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn. Một câu hỏi được đặt ra là hiện nay có phải thời điểm thích hợp để ông Tô Lâm có thể tiến hành các công việc này hay không?

Theo giới phân tích, những khó khăn chính trong quá trình tinh gọn bộ máy hiện nay cần phải giải quyết ngay, đó là: Khoảng 20% cơ quan có chức năng chồng chéo, gây khó khăn trong việc phân định lại nhiệm vụ và trách nhiệm giữa các đơn vị; Việc sắp xếp lại 100.000 cán bộ, công chức ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và tâm lý của họ, đòi hỏi chính sách hỗ trợ phù hợp.

Dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng tinh thần “không làm bây giờ thì bao giờ làm” của Tổng Bí thư Tô Lâm được coi là một mệnh lệnh sống còn. Đây là lý do, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định, việc tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự đoàn kết, và hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích quốc gia dân tộc của mỗi tập thể, mỗi cá nhân.

Theo giới phân tích quốc tế, nguyên nhân sâu xa nằm ở “độ vênh” giữa nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhiều người ủng hộ chủ trương chung, nhưng vẫn đứng ngoài cuộc khi lợi ích cá nhân bị tác động.

Theo đó, sự lo ngại của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cấp thấp trước nguy cơ mất việc do tinh giản, cũng như nhiều quan chức lãnh đạo lo ngại mất ghế, dẫn đến tình trạng chống đối hoặc trì hoãn trong quá trình thực hiện.

Điều đó đã cho thấy sự bất an và thiếu rõ ràng trong chính sách tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Một số cơ quan quan trọng như Bộ Công an dường như không nằm trong kế hoạch tinh giản. Đây được cho là một dấu hiệu cho thấy còn tồn tại “vùng cấm” trong quá trình cải tổ. Điều đó đã đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và công bằng của “nhạc trưởng” – Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc cách mạng này.

Truyền thông nhà nước cũng thừa nhận, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, những chuyển biến về chất vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Theo giới chuyên gia, việc thực thi cải tổ bộ máy hành chính ở Việt Nam luôn gặp nhiều trở ngại, do thiếu kinh nghiệm quản lý và sự thống nhất, đoàn kết trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Điều đó không cho phép để thực hiện một cuộc cải tổ bộ máy nhà nước quy mô lớn, trong thời gian ngắn tại thời điểm hiện nay.

Việc thiếu sự thống nhất trong lãnh đạo dẫn đến trì trệ trong thực hiện các cải cách cần thiết, gây khó khăn cho quá trình tinh giản và sắp xếp lại bộ máy.

Để công cuộc tinh gọn bộ máy chính trị ở Việt Nam đạt được thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền cần triển khai đồng bộ các nỗ lực sau:

Trước hết, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước để giảm bớt sự can thiệp không cần thiết. Từ đó sẽ giúp thu nhỏ bộ máy hành chính, giải quyết các mâu thuẫn để đảm bảo sự đồng thuận trong nội bộ ban lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cải cách.

Đồng thời, cần đảm bảo quá trình tinh gọn diễn ra minh bạch, công bằng, tránh tình trạng “vùng cấm”, hoặc ưu ái đối với một số cơ quan, bộ ngành và các cá nhân. Cũng như, cần tập trung vào việc nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu của bộ máy tinh gọn.

Đây là những vấn đề cần phải có thời gian.

 

Trà My – Thoibao.de