Việt Nam sẽ ra sao sau công cuộc tinh giản bộ máy

Ngày 28/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: ““Liệu pháp sốc” tinh gọn bộ máy của Tô Lâm sẽ định hình tương lai Việt Nam thế nào?” của blogger Huỳnh Trần.

Theo đó, tác giả nhận định, sự kiện quan trọng nhất đối với chính trường Việt Nam trong năm 2024, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực khác của xã hội, là việc qua đời giữa nhiệm kỳ 13 của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau hơn 13 năm tại vị, và vào ngày 3/8, ông Tô Lâm thay thế với không ít “đồn đoán” trong bối cảnh chống tham nhũng “không vùng cấm”.

Việc tân Tổng Bí thư Tô Lâm phát động cuộc cải cách thể chế, trong đó và trước hết là cuộc “tinh gọn bộ máy” của hệ thống chính trị mang tính “cách mạng”, là một trong những điều “bất ngờ” lớn nhất.

Tuy nhiên, ông là người hành động và có quyền lực tuyệt đối, có lý do và “tự tin” để hành động. Sự thay đổi được chờ đợi nhưng kết quả khó lường.

Tác giả Huỳnh Trần cho biết, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá 12 năm 2017 về tinh gọn bộ máy… là căn cứ pháp lý để cải cách. Hơn thế, từng là Bộ trưởng Bộ công an, vượt khỏi chức năng giữ trật tự an ninh xã hội, để trở thành trụ cột của chiến lược an ninh chế độ, được thể chế hoá, tăng cường lực lượng và tích luỹ kinh nghiệm từ cải tổ nội bộ, ông Tô Lâm nắm trong tay những “lá bài tẩy” chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, để cải cách sâu rộng hệ thống chính trị hiện hành.

Theo sự quan sát sự vận hành sau 4 tháng, tính từ khi ông Tô Lâm phát động, tác giả cho rằng, cấu trúc chính trị về cơ bản không thay đổi; nhưng luật pháp, hành chính và nhân sự đang có những chuyển động bổ sung, sửa đổi ở Quốc hội, cũng như sự chuẩn bị trong mỗi bộ ngành, địa phương. Không thấy sự chống đối nhưng sự “lo ngại” có chiều hướng tăng lên về thất nghiệp, giảm thu nhập và gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt đối với các nhóm dân cư yếu thế, hoàn cảnh khó khăn…

Theo tác giả, “Kỷ nguyên mới” vẫn là cách quảng bá truyền thống, hướng sự chú ý xa với hiện thực đời thường, những “ồn ào” triển vọng về thu nhập cao, những công trình đồ sộ như đường sắt tốc độ cao, hay các dự án “khủng” nhà máy điện hạt nhân, các nhà đầu tư nước ngoài hăng hái như Nvidia… dần lắng xuống… trong khi người dân bình thường lo toan cuộc sống hàng ngày, và thị trường phản ứng thực tế hơn.

Thị trường chứng khoán sau nhiều năm vẫn chịu dưới “mức kháng cự” 1.300 điểm, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, tăng trưởng GDP và xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư công vẫn ì ạch…

Vẫn theo tác giả Huỳnh Trần, thành công của liệu pháp sốc không những chỉ phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng và năng lực quản trị, mà còn khả năng thích nghi của xã hội, của các quan chức còn “trụ lại” sau tinh giản, của doanh nghiệp và người dân.

Về hình thức, người ta thấy cả hệ thống chính trị đang “tất bật” vào cuộc nhưng hầu như người ta không nghe hay đọc thấy từ dân chủ. Tình hình suy thoái về dân chủ khiến cho chế độ độc tài, chuyên chế lên ngôi. Tuy nhiên, tác giả nhận xét rằng, người dân phải là một trong những đối tượng của cải cách, bởi vậy sự tham gia của họ sẽ là một kênh phản hồi, một chỉ báo quan trọng để đánh giá về hiệu quả của cải cách thể chế.

Tác giả đưa ra kết luận, bước sang năm 2025, con đường cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn đầy gian nan, thử thách. Dù các cải cách khởi đầu cho thấy sự quyết tâm và tiềm năng, nhưng chi phí xã hội và kinh tế sẽ tiếp tục định hình tương lai của đất nước.

Liệu cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị này sẽ mang lại một “phép màu” thay đổi, hay cái giá nhất định phải trả khi người dân đứng ngoài cuộc của cuộc cải cách thể chế này? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

 

Hoàng Anh  – thoibao.de