Ông cho biết “Một quán nước đã viết chữ quốc ngữ hiện thời và chữ của tôi treo lên. Sau khi nghe cậu bạn luật sư kể, tôi bèn tìm đến quán nước này thăm hỏi và được biết từ khi treo biển bằng chữ “tiếw Việt” cải tiến, khách tò mò ghé uống đông hơn”.
PGS Bùi Hiền viết câu đối bằng chữ “tiếw Việt” của mình ( ảnh: Hoàng Đan)
Mới đây, một bạn trẻ tại Hà Nội đã mang mực và giấy có in sẵn tranh đến nhà PGS-TS Bùi Hiền “xin chữ” nhân dịp năm mới.
Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Bùi Hiền (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội) vui vẻ cho biết: “Tôi vừa viết đôi câu đối Tết bằng chữ cải tiến. Cái này do một bạn quen biết mang giấy và mực đến nhà, nhờ tôi viết giùm. Đó là 2 câu đối: “Trời thêm tuổi mới năm thêm thọ – Xuân khắp càn khôn phúc khắp nhà” và “Xuân an khang đức tài như ý – Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên”.
Theo TS Bùi Hiền, chỉ trong thời gian rất ngắn ông đã có thể “chuyển đổi” đôi câu đối trên sang chữ quốc ngữ cải tiến của mình. “Do tôi không chuyên về thư pháp nên chữ viết chưa được đẹp lắm. Tuy nhiên, tôi rất vui vì vẫn có những người tin tưởng và ủng hộ. Nếu ai theo dõi công trình nghiên cứu của tôi trong thời gian qua thì chỉ cần nhìn câu đối là nhận ra “chữ” của tôi và đọc hiểu được ngay. Có thể nói đôi câu đối trên rất hay, rất ý nghĩa. Dù viết bằng chữ cải tiến thì đọc vẫn như cũ và giá trị nội dung và không có gì thay đổi”, PGS Bùi Hiền khẳng định.
Không chỉ có người “xin chữ”, mà chữ của PGS Bùi Hiền còn được sử dụng ở một số nơi khác gây sự tò mò thú vị. TS Hiền kể: “Một quán nước đã viết chữ quốc ngữ hiện thời và chữ của tôi treo lên. Sau khi nghe cậu bạn luật sư kể, tôi bèn tìm đến quán nước này thăm hỏi và được biết từ khi treo biển bằng chữ cải tiến, khách tò mò ghé uống đông hơn”.
Cách đây chưa lâu, vào dịp Tết Dương Lịch, PGS Bùi Hiền đã công bố bản Truyện Kiều được viết bằng chữ cải tiến của ông, đồng thời Cục Bản quyền tác giả cũng đã chứng nhận tác phẩm “Bài viết cải tiến chữ quốc ngữ” thuộc quyền sở hữu của PGS-TS Bùi Hiền. Từ đó tới nay, ông vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để hoàn thiện đến chữ cuối cùng. Đó là âm “nhờ” lâu nay viết là nh, vẫn chưa đúng với nguyên tắc ông đề ra là “mỗi âm vị được biểu đạt bằng một ký tự”.
Nay ông quyết định thay chữ “nh” bằng chữ n’ (ký tự n có dấu sắc ở giữa, trong bảng chữ cái Latin mở rộng). “Đây là ký tự có sẵn chứ không phải tôi sáng tạo ra. Khi tìm ra chữ mới biểu đạt cho âm “nhờ”, tôi đã viết lại toàn bộ truyện Kiều. Nhờ vậy, tác phẩm này tiết kiệm được 13% (hơn một vạn ký tự”, PGS Hiền cho hay.
Có thể nói ký tự n’ thay cho chữ nh là thay đổi cuối cùng trong công trình chữ quốc ngữ cải tiến này của PGS Bùi Hiền.
——-