Thời gian gần đây, công luận rất quan tâm tới trường hợp xử lý đối với cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và gia đình ông. Mới nhất, Bộ Chính trị đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Phúc nhưng không rõ có liên quan đến vụ việc gì?
Trong giai đoạn làm Thủ tướng, ông Phúc đã phải chịu trách nhiệm, vì hàng loạt lãnh đạo cấp dưới bị xử lý kỷ luật có liên quan đến đại dịch Covid -19. Hơn nữa, ông Nguyễn Xuân Phúc từng biện minh gia đình ông không dính líu trong đại án Việt Á.
Đó là lý do, một bộ phận đông đảo người dân chờ đợi quyết định xử lý thích đáng hơn dành cho ông Bảy Phúc và vợ Trần Thị Nguyệt Thu. Đây là những kẻ bị cáo buộc là “trùm cuối” của đại án Việt Á.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại to lớn về nhân mạng tại Việt Nam. Theo báo cáo chính thức, trong đại dịch Covid-19, Việt Nam ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm bệnh và con số tử vong lên tới hơn 43 nghìn trường hợp, với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Công tác quản lý, và khả năng ứng phó với đại dịch là nguyên nhân chính, với trách nhiệm thuộc về Chính phủ và các cơ quan chức năng. Đáng chú ý, vụ án Việt Á có liên quan đến việc nâng giá bộ kit xét nghiệm Covid-19, dẫn đến nhiều cuộc điều tra, và bắt giữ các quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Vụ án Việt Á đã dẫn đến khởi tố 29 vụ án khác nhau, với 102 bị can liên quan đến việc nâng khống giá kit test xét nghiệm Covid-19, bán cho nhà nước với giá cao hơn nhiều lần.
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 80 triệu đồng, do 3 cổ đông: Phan Quốc Việt, Đồng Sỹ Huy, và Hồ Thị Thanh Thủy. 3 cổ đông này sở hữu 20% vốn điều lệ của công ty này. Đến tháng 10/2017, Công ty Việt Á tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông sáng lập vẫn giữ nguyên là 20% tổng số cổ phần.
Con số 80% cổ phần còn lại của Công ty Việt Á – tương đương 800 tỷ đồng, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ Nhà nước. Điều này đặt ra câu hỏi về danh tính của những cổ đông này là ai?
Có những đồn đoán về sự liên quan của bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân của ông Nguyễn Xuân Phúc, trong vụ án này. Tuy nhiên, ông Phúc đã khẳng định gia đình ông không liên quan, và điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận rõ ràng.
Theo giới phân tích, trong vụ án Việt Á, việc miễn trách nhiệm hình sự cho một số quan chức cấp cao có thể là dấu hiệu của sự bao che, hoặc xử lý không triệt để. Thậm chí có những nghi vấn về việc, liệu lãnh đạo Việt Nam có liên quan, hoặc biết trước về kịch bản của vụ án này.
Vụ sai phạm tại Công ty Việt Á được đánh giá là một vụ án hình sự điển hình về vấn nạn tham nhũng có hệ thống, và đặc biệt nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều quan chức cấp cao, và làm cho ngân sách nhà nước thiệt hại một số tiền rất lớn.
Từ trước đến nay, đã có nhiều nghi vấn về sự bao che từ lãnh đạo cấp cao trong Đảng đối với vụ bê bối này. Vậy tại sao ông Tô Lâm, trong việc xem xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, đã không chỉ đạo để làm rõ việc trùm cuối – kẻ sở hữu 80% Cổ phần Việt Á, là ai để công luận được rõ?
Như vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn nợ toàn thể nhân dân câu trả lời!
Trà My – Thoibao.de