Ngày 14/12, RFA Tiếng Việt bình luận “Đi bộ đội: nghĩa vụ của con nhà nghèo?”.
Theo RFA, vụ 12 quân nhân tuổi đời còn rất trẻ (từ 19 đến 25) tử vong trong cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7, tối mùng 2/12 vừa qua, một lần nữa khiến thanh niên tới tuổi nhập ngũ lo ngại cho tính mạng của mình trong môi trường quân ngũ.
Hiện tượng thanh niên tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự đã trở nên phổ biến, đến mức ngay cả cơ quan quân đội cũng phải thừa nhận.
RFA cho biết, trong những năm gần đây, hiện tượng quân nhân tử vong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, đã liên tiếp xảy ra, và trở thành đề tài được cả nước quan tâm. Tuy nhiên, thông tin về nguyên nhân tử vong không phải lúc nào cũng được minh bạch.
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021, có 3 vụ quân nhân chết gây xôn xao dư luận, đó là Trần Đức Đô, Nguyễn Văn Thiên, và Hoàng Bá Mạnh. Cả 3 đều có nhiều thương tích trên cơ thể, nghi chết do bị đánh.
RFA dẫn lời anh Hùng ở Hà Nội, có con trai đến tuổi đi nghĩa vụ, nói rằng:
“Thực ra vào trong bộ đội thì dễ bị bắt nạt, bị phân biệt vùng miền. Những ông chỉ huy ở trên không trực tiếp huấn luyện lính mới, mà giao nhiệm vụ cho những thằng lính cũ phải huấn luyện cho lính mới. Chính vì thế, xảy ra rất nhiều chuyện như đánh nhau đến chết.”
Sự lo lắng cho an toàn và tương lai của con em mình, đã thôi thúc nhiều bậc phụ huynh tìm cách để giúp con trai trốn đi nghĩa vụ.
RFA dẫn lời bà Hoàng Lan, có con trai 22 tuổi nhưng không phải đi nghĩa vụ quân sự do “chạy chọt”, nói:
“Muốn “trốn” nghĩa vụ quân sự thì phải lo tiền cho Ban quân sự của phường, nơi phụ trách chuyện gọi quân.”
“Có những tình huống không chạy để miễn được, thì chạy để làm dân quân tự vệ của địa phương. Nếu không được nữa mà đành phải đi nghĩa vụ quân sự, thì chạy tiền để vô được quân đoàn tốt.”
RFA dẫn tiếp lời bà Uyên, từng “chạy chọt” cho cháu mình khỏi đi nghĩa vụ quân sự, cho rằng, số lượng thanh niên tới tuổi nghĩa vụ hàng năm rất nhiều, không “xài” hết, nên nếu ai có tiền thì khỏi đi, ai không có tiền thì nằm trong số phải đi.
RFA nhắc lại phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội nhiều năm trước, theo đó, con em công nhân, nông dân phải đi nghĩa vụ, còn con em nhà giàu không phải đi. Điều này đã gây bức xúc xã hội.
Vẫn theo RFA, báo Thanh Niên từng có bài phân tích, theo đó, việc đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự đã diễn ra từ lâu nay, một cách bán công khai. Gia đình có người đến tuổi đi lính có thể nộp một khoản tiền cho phường đội, hoặc quận đội, để được ở nhà đi học hay đi làm.
RFA nhắc đến đề xuất đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự, của Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội. Theo đó, đóng tiền có thể coi là một trong các hình thức nghĩa vụ dân sự thay thế, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Đề xuất này bị nhiều phản đối, vì sẽ tạo thêm bất công trong xã hội, khi người có chức quyền, có tiền, thì tìm cách cho con em thoát nghĩa vụ quân sự, chỉ con em nông dân, người nghèo mới vào quân đội. Hơn nữa, gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự, thì nghèo lại càng thêm nghèo, bất công xã hội càng tăng.
RFA cũng cho biết, Luật nghĩa vụ quân sự của Việt Nam hiện nay, được áp dụng từ năm 2015, với nhiều trường hợp được miễn, giảm hoặc tạm hoãn. Người có tiền thường lo lót cho ban quân sự tại địa phương, để con, em mình nằm trong diện được miễn.
Thực tế sau nhiều năm thực hiện, cơ quan hữu trách nhận thấy Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có nhiều bất cập nên đề nghị sửa đổi, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi gì.
Thu Phương – thoibao.de