Phải làm gì để chống tình trạng chạy ghế, chạy chỗ trong việc tinh gọn bộ máy?

Đề cập đến việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, bộ máy hiện tại không còn phù hợp với điều kiện mới, gây lãng phí và cản trở sự phát triển của đất nước. Việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Ngày 16/12, tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã bất ngờ rút gọn thành mục tiêu “giúp bộ máy hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Đáng chú ý, theo ông Tô Lâm, tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, vụ lợi trong công tác cán bộ vẫn tồn tại ở một số nơi, ở một số cán bộ lãnh đạo. Tình trạng chạy chức, chạy ghế, chạy chỗ trong quá trình tinh gọn bộ máy hiện nay, phản ánh thực trạng một số cá nhân lợi dụng quy trình sắp xếp, tinh giản tổ chức để mua bán vị trí, quyền lực, nhằm giữ chức vụ hoặc thăng tiến.

Điều này gây mất công bằng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân và ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy.

Theo giới quan sát, từ khi chính thức trở thành Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã đưa ra yêu cầu phải cải tổ tinh gọn bộ máy, và cải cách thể chế trước thềm Đại hội 14. Đây là một thách thức không hề dễ dàng.

Trên thực tế, trong quá trình triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy, một số đông cán bộ, đảng viên đã tỏ ra không ủng hộ chủ trương của ông Tô Lâm.

Tuy nhiên, chủ trương tinh gọn bộ máy đã được công luận, bao gồm những người không “ăn bám” bộ máy nhà nước hết sức đồng tình và ủng hộ, khi cho rằng, đây là điều cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Không phải là vô cớ, khi Tổng Bí thư Tô Lâm ví von đây là việc “phẫu thuật khối u” để cơ thể khỏe mạnh, và hướng tới “kỷ nguyên vươn mình”. Cũng như Bộ trưởng Nội vụ, bà Phạm Thị Thanh Trà đã mạnh mẽ đề nghị những lãnh đạo đứng đầu “cần vui vẻ chấp hành sự phân công, quyết định của tổ chức”.

Tuy nhiên, giải quyết nhân sự dôi dư là bài toán cực kỳ cam go, vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của một số đông lên tới gần 3 triệu người. Tiến sĩ Đinh Duy Hòa nhận xét, “nhìn sơ sơ đã đụng chạm tới khoảng 20 Bộ trưởng và khoảng 80 – 100 thứ trưởng, và cấp tương đương. Vậy sắp xếp thế nào, cũng là đụng chạm quyền lợi rất lớn”.

Đây chính là lý do, trong Hội nghị ngày 16/12, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu kiên quyết phòng, chống việc lợi dụng chủ trương tinh gọn bộ máy để gây tiêu cực, tham nhũng trong việc chạy chức và chạy chỗ.

Theo giới phân tích, những rào cản từ tham nhũng, lợi ích nhóm và các hành vi tiêu cực như chạy chức, chạy quyền, sẽ là những thách thức lớn trong công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy của nhà nước Việt Nam.

Theo Giáo sư Carl Thayer, sự xung đột lợi ích, sự chống đối là điều không thể tránh khỏi trong cuộc “thay máu” nhân sự trong bộ máy nhà nước. Việc một số đông cán bộ, đảng viên sẽ cố tình đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm hoặc chạy chỗ, chạy chức là điều không thể tránh khỏi.

Vẫn theo ông Carl Thayer, Tổng Bí thư Tô Lâm có lẽ sẽ ưu tiên cho những người thể hiện sự chủ động và hành động nhanh chóng. Còn những ai tỏ ra kém cỏi, hoặc chống đối sự thay đổi sẽ bị cách chức thẳng tay.

Xin nhắc lại, tình trạng chạy chức, chạy ghế trong Bộ Công an Việt Nam hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng, mà Tổng Bí thư Tô Lâm quá biết rõ.

Vụ việc tiêu biểu như một nữ bác sĩ đã chi 14 tỷ đồng để mua chức Phó Giám đốc Công an Đồng Nai nhưng bị lừa đảo, hay Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD để chạy án trong vụ “chuyến bay giải cứu”, là một số ví dụ.

 

Trà My – Thoibao.de