Chủ trương tinh giản biên chế có mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, và chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số đông cán bộ, đảng viên đã tỏ ra không ủng hộ.
Đảng đã ra nghị quyết tinh giản biên chế từ năm 2017, nhưng chưa bao giờ đạt kết quả như mong muốn. Thậm chí, bộ máy còn có xu hướng phình to hơn trước.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vốn được đánh giá là một ông “trùm” mật vụ, với nhiều kinh nghiệm lọc lõi trong vấn đề trấn áp tội phạm, để bảo vệ an ninh cho chế độ hiện nay. Tuy vậy, kinh nghiệm lãnh đạo trên cương vị người đứng đầu Nhà nước của ông Tô Lâm là quá mỏng, thậm chí còn rất hạn hẹp. Sau hơn 5 tháng trên cương vị Tổng Bí thư, các chủ trương lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã không đạt được kết quả như mong muốn.cái
Ngay sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã đưa ra tuyên bố về chủ trương “cải cách thể chế”, để đưa đất nước vào “kỷ nguyên mới” của dân tộc. Nhưng sau hơn 3 tháng loay hoay với các điểm nghẽn của thể chế, chủ trương “cải cách” của ông Tô Lâm được cho là đã rơi vào bế tắc.
Hệ quả là Tổng Bí thư Tô Lâm phải thay đổi thành chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Điều mà ông Tô Lâm tưởng rằng sẽ đơn giản, và ngon ăn hơn. Tổng Bí thư Tô Lâm tự tin, và đưa ra thời hạn thực hiện trong quý 1/2025.
Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy là một vấn đề hết sức phức tạp, vì liên quan đến quyền lợi trực tiếp của mỗi cá nhân, trong bộ máy nhà nước hiện nay, với khoảng 3 triệu người.
Trong khi Tổng Bí thư Tô Lâm mới chỉ hô hào việc tinh gọn bộ máy nhà nước một cách chung chung. Truyền thông nhà nước đã liên tiếp đưa ra nhiều cảnh báo, “sẽ đụng chạm 20 Bộ trưởng, và từ 80 đến 100 Thứ trưởng nếu tiến hành tinh gọn”.
Trên mạng xã hội, một số nhân vật của công chúng trước đây ít lâu còn hô hào, ca ngợi chủ trương cải cách của Tổng Bí thư, nhưng đến hôm nay, bỗng đã quay ngoắt ra phản đối kế hoạch tinh giản bộ máy. Thậm chí, họ còn đưa ra các cảnh báo rằng, sẽ có sự lộn xộn lớn trong xã hội nếu Tổng Bí thư vẫn quyết tâm thực hiện.
Theo giới phân tích, việc tinh giản bộ máy nhà nước chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt, vì có liên quan đến lợi ích cá nhân và tổ chức. Một số cá nhân có thể mất việc hoặc bị chuyển công tác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và quyền lợi của họ.
Trong khi đó, những người có quyền lực đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy, lo ngại sự ảnh hưởng đến lợi ích không chính thức của họ.
Thành phần cán bộ, đảng viên cấp thấp đa số lo ngại rằng, việc thực hiện tinh giản sẽ không được minh bạch. Từ đó có thể dẫn đến sự bất công, hoặc gia tăng tình trạng thân hữu, con ông cháu cha. Đặc biệt, nếu kế hoạch tinh giản không đi đôi với cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, hoặc minh bạch trong chi tiêu công.
Người dân có thể cảm thấy rằng sự thay đổi chỉ mang tính hình thức, không thực sự vì lợi ích xã hội. Điều này có thể làm gia tăng sự bất mãn trong dân chúng.
Nếu Tổng Bí thư Tô Lâm không xử lý tốt các yếu tố phát sinh do quá trình tinh giản đụng chạm đến lợi ích nhóm, thì vô tình sẽ thúc đẩy các nhóm có tư tưởng tận dụng cơ hội này để gia tăng chống đối chính quyền.
Điều đó không chỉ làm cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không thành công, mà Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ còn phải đối mặt với một tương lai lành ít dữ nhiều.
Trà My – Thoibao.de