Kỷ luật Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm ném chuột không sợ vỡ bình

Ngày 14/12, Tác giả Gió Bấc có bài bình luận: “Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình… chỉ cảnh cáo là xong?” trên RFA Tiếng Việt.

Theo đó, tác giả cho hay, cảnh cáo Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Tô Lâm đã một lần phá lệ, thu hồi “kim bài miễn tử” cho tứ trụ. Người dân chờ đợi quyết định xử lý thích đáng hơn dành cho “trùm cuối”. Thế nhưng, quyết định nhẹ nhàng cảnh cáo Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình… làm nhiều người thất vọng. Tô Tổng yếu thế chùn tay? Đây đã là đòn cuối cùng, cuộc chơi đã kết thúc? Pháp luật bị ràng buộc theo luật “nhất sự bất tái cứu” nhưng chính trị thì không! Mọi thứ vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nhìn chung, người tỏ ra thất vọng về các quyết định xử lý kỷ luật của ông Trọng hay Tổng Bí thư Tô, có phần do ảo tưởng mục tiêu của công cuộc đốt lò là chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, thực thi công lý. Tất cả các yếu tố ấy đều có, nhưng chỉ là phương tiện, là bình phong, vật trang sức cho mục tiêu thâu tóm quyền lực, triệt tiêu, thu phục đối thủ. Nó hoàn toàn là công cụ, vũ khí của trò chơi chính trị.

Tác giả nhắc lại sự kiện Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa qua đã thông qua thỏa thuận hợp tác cùng Công ty cổ phần Dịch vụ khách sạn Hưng Yên – một thành viên của KBC. Theo đó, Tập đoàn The Trump Organization được biết là sẽ chính thức thực hiện kế hoạch phát triển dự án khách sạn, sân golf và khu dân cư này.

Trước đó, ngày 25/9, tại Florida, Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Việt Nam, và các đối tác phía Hoa Kỳ, trong đó có Tập đoàn The Trump Organization, do ông Eric Trump, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn The Trump Organization đại diện, và ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch KBC đã ký thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Với uy thế về quyền lực và kinh tế như kể trên của Tô Lâm, với chứng cứ sai phạm, việc khai trừ, truy tố Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ… không khó. Nhưng không có kẻ thù, đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là quan trọng. Mức xử cảnh cáo như vòng kim cô mà đối tượng vô phương tháo gỡ, nếu không ngoan ngoãn tuân phục thì hậu quả sẽ đến tức thì. Mặt khác, ném chuột như thế không sợ vỡ bình, mà còn quy thuận được một mớ chuột con.

Ra uy trước, ban ân sau, chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm ngược lại với ông Trọng nhưng lợi hại hơn nhiều, nhất là trong thời gian cấp bách.

Vì vậy, tác giả cho rằng, với dân đen, đừng thất vọng, đừng tiếc nuối, đừng mong chờ việc xử tù hay trừng trị những tội phạm là quan chức cấp cao. Cũng đừng lầm tưởng đốt lò là chống tham nhũng thật. Mọi ông vua đều canh cánh chuyện bảo vệ ngai vàng, ban phát công lý cho dân đen là điều xa xỉ.

Theo tác giả, Tổng Bí thư Tô Lâm đang hô hào cải cách thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, nhưng chính ông ta khư khư bảo vệ cái thể chế, cái điểm nghẽn lớn nhất là thể chế độc tài, độc đảng, tước đoạt mọi quyền tự do của người dân ngay cái quyền được biết.

Những điều trình bày trên đây chỉ là sự suy đoán, từ những thông tin lượm lặt chắt lọc mà đáng ra phải được Nhà nước giải trình. Lẽ ra phải công bố công khai Nguyễn Xuân Phúc đã nhận của Trương Mỹ Lan, Phan Quốc Việt bao nhiêu tiền, mua bao nhiêu bất động sản ở Mỹ…

Tác giả nhận định, ngày nào Đảng còn bịt mắt bịt tai người dân bằng những khái niệm chung chung mơ hồ kiểu “vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước”. Ngày ấy chưa thể cải cách thể chế, và chống tham nhũng chỉ là mỹ từ che dấu trò đấu đá tranh giành quyền bính.

 

Hoàng Anh – thoibao.de