Đại hội 14 sắp diễn ra, các cựu quan chức đang tất bật, chạy ngược chạy xuôi đưa con vào bệ phóng.
Nổi bật nhất có lẽ là ông Nguyễn Tấn Dũng, với tham vọng đưa cậu Hai nhà ông vào Bộ Chính trị. Ngoài ra, ông cựu Thủ tướng cũng muốn đẩy con trai út vào Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ tới. Nói chung, ông Ba Dũng là người bận rộn nhất trong các “Tứ trụ” về hưu, bởi ông có những mối quan hệ lớn.
Ngược lại, dù ông Tư Sang cũng ngược xuôi chạy chỗ cho con trai là Trương Tấn Sơn, nhưng vì mối quan hệ trong chính trường hiện nay của ông cựu Chủ tịch nước không tốt bằng ông Ba Dũng, nên con trai ông Tư Sang cũng không đạt được vị trí tốt bằng con trai ông Ba Dũng. Ông Trương Tấn Sang chỉ có thể chạy thuyên chuyển cho con trai, để khỏi bị “đì”, chứ ông không thể đưa được con trai ông vào bệ phóng trong lúc này.
Còn ông Nguyễn Xuân Phúc-Cựu Thủ tướng, cũng là cựu Chủ tịch nước thì có lẽ đang rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất từ trước tới nay. Hết lần này đến lần khác, ông bị phe Tô Lâm tung hết tin này đến tin khác rằng ông sẽ bị bắt. Đây có vẻ là đòn đánh cho ông cựu Chủ tịch nước “nhả tiền” chứ không hẳn là đòn đánh nhắm vào ông thật sự. Chính vì thế, tới nay ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mới nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, một án vô cùng nhẹ so với tội ác mà ông đã gây ra trong thời kỳ dịch Covid.
Vụ án Việt Á, Chuyến Bay giải Cứu, Vạn Thịnh Phát rồi mới đây là vụ án Khu Du lịch sinh thái Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí lại dính tới ông. Đáng nói là chính Mai Tiến Dũng-Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khai ra ông. Tội đã rõ, muốn thoát thì phải năn nỉ Tô Lâm, mà không phải “năn nỉ” bằng lời thôi, cần phải có hiện kim, mà rất nhiều hiện kim mới may ra ông “thoát”.
Trong chế độ này, muốn biết sức khỏe thực sự về chính trị của quan chức về hưu, thì hãy nhìn vào đà thăng tiến của con cái họ. Bởi con cái là phần nổi để đo mức độ quyền lực ngầm của cha mẹ. Vì ông Nguyễn Thanh Nghị đang có triển vọng vào Bộ Chính trị, thì hiểu ngay rằng, quyền lực ngầm của ông Nguyễn Tấn Dũng rất thịnh. Nhìn Trương Tấn Sơn vất vả, chật vật với ghế Phó Chủ tịch Quận trước đây, và ghế Phó Chủ tịch huyện hiện nay, thì biết rằng, sức khỏe chính trị ngầm của ông Trương Tấn Sang có vấn đề. Còn việc Nguyễn Xuân Hiếu mất hút trong tổ chức Đoàn Thanh niên, thì có nghĩa, sức khỏe chính trị của ông Nguyễn Xuân Phúc đang có vấn đề nghiêm trọng.
Dùng chính sách Công an trị ngay trong nội bộ Đảng, ông Tô Lâm đã đạt rất nhiều mục đích. Ông khiến cho các thế lực chính trị khác phải khiếp sợ, không dám làm liều. Ông cũng khiến cho quan chức về hưu phải biết thân biết phận, đừng nhảy nhót lung tung rồi gây ra cảnh tượng thảm khốc trên vũ đài chính trị. Đồng thời, ông ép được nhiều quan tham về hưu phải “bung tiền”, để mua lấy sự an toàn.
Một chính sách nhưng Tô Lâm đạt rất nhiều mục đích.
Quá khứ ăn bạo của Nguyễn Xuân Phúc, ông Tổng Bí thư nắm rất rõ. Ông Phúc có tiền muôn bạc vạn, nhưng lại thân cô thế cô. Việc hạ ông Phúc thì không khó khăn gì, nhưng lại chẳng có tác dụng cắt vòi bạch tuộc của các nhóm lớn. Vì vậy, Tô Lâm cứ hăm dọa ông Phúc để kiếm lợi ích kinh tế. Cũng vì vậy mà ông Bảy Phúc khó thoát khỏi tâm bão do họ Tô tạo ra.
Mục tiêu của ông Phúc lúc này, là làm sao cho bản thân và vợ con không phải “xộ khám”, còn tham vọng đưa cậu ấm nhà ông lên bệ phóng, như con của ông Nguyễn Tấn Dũng, thì e là quá tầm đối với ông cựu Chủ tịch nước đầy tai tiếng này.
Nguyễn Xuân Hiếu đã mất hút sau bức màn đen bí ẩn bao quanh gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc. Tương lai của Hiếu trôi về vô định, dù Hiếu có lý lịch rất đỏ.
Hoàng Phúc – Thoibao.de