Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông đã đưa 4 người trong Ban Bí thư vào Bộ Chính trị. Nay ông Tô Lâm thay ông Trọng đứng đầu Ban Bí thư, nhưng ông Tô Lâm mới chỉ đưa được 1 người vào Bộ Chính trị, đó là Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, mặc dù ông Quang không phải là thành viên Ban Bí thư, nhưng vẫn được ông Tô Lâm đưa vào.
Hiện nay, Bộ Chính trị còn 2 ghế trống. Ông Tô Lâm “tham lam” muốn giành lấy cả 2 ghế này cho đàn em của mình – đó là Nguyễn Duy Ngọc và Trần Lưu Quang. Phần còn lại của Bộ Chính trị có đến 14 người, nhưng đa số chỉ biết cố gắng để “ghì” lại, không cho ông Tô Lâm đưa thêm người vào, chứ họ không đủ khả năng để tranh giành với Tô Lâm.
Xem ra, việc 14 người còn lại trong Bộ Chính trị đang yếu thế hơn Tô Lâm, là sự thật.
Mới chỉ nắm được Bộ Công an, ông Tô Lâm đã làm chủ cuộc chơi. Nếu nắm được hoàn toàn Ban Bí thư, thì sức mạnh của ông sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Còn nếu có thể nắm giữ luôn cả Bộ Quốc phòng, thì sức mạnh của ông sẽ là vô đối.
Vì mới chỉ nắm được Bộ Công an, nên ông Tô Lâm vẫn phải chiến đấu vất vả, mới đạt được thắng lợi. Nhưng đôi khi vẫn bị cầm chân. Nếu nắm thêm được Ban Bí thư (việc này chỉ là vấn đề thời gian), thì Tô Lâm có thể biến Bộ Chính trị thành cái bóng mờ sau lưng ông. Và nắm luôn được Bộ Quốc phòng, ông sẽ trở thành người nắm quyền lực tuyệt đối.
Khi ông Trọng mới lên Tổng Bí thư, ông không có kế hoạch nào rõ ràng. Trong nhiệm kỳ đầu, ông chỉ tập trung vào việc giành lại quyền lực cho Ban Bí thư, vốn đã bị phía Chính phủ lấn lướt dưới thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư. Đến nhiệm kỳ 2, ông Trọng mới dựng lên “cái lò”, để thanh trừng nội bộ, biến quyền lực của Tổng Bí thư thành tuyệt đối. Nghĩa là, ông Trọng phải mất 5 năm để “chạy đà”. Nhưng chính vì thế, đến nhiệm kỳ 3, ông Trọng đưa 1 lúc 4 người trong Ban Bí thư vào Bộ Chính trị, dễ như “lấy kẹo” trong túi.
So với ông Trọng, ông Tô Lâm tham vọng nhiều hơn, và ông không che dấu tham vọng này, ngay sau khi lên Tổng Bí thư. Nếu nói ông Trọng cần 4 năm để “chạy đà”, khi đã lên Tổng Bí thư, thì Tô Lâm có đến 8 năm để ủ mưu ở Bộ Công an, đây là bước “chạy đà” vững chắc của ông. Bước “chạy đà” này giúp Tô Lâm có thể thực hiện ngay các tham vọng của mình.
Như vậy, Bộ Chính trị – cơ quan siêu quyền lực, đang đứng trước một thử thách vô cùng nghiêm trọng. Đó là, vị thế “siêu quyền lực” sẽ bị cá nhân lật đổ, người đó không ai khác chính là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thanh trừng là để “thay máu”, loại kẻ không cùng phe và nâng đỡ người cùng phe. Nhiệm kỳ 13 này, Đảng đã loại 8 uỷ viên Bộ Chính trị, trong đó, 1 nửa là bị ông Trọng loại, và 1 nửa bị còn lại bị Tô Lâm loại.
Trong khi đó, ông Trọng nắm ghế Tổng Bí thư gần 3 nhiệm kỳ, còn ông Tô Lâm mới chỉ ngồi chưa được 5 tháng. Thậm chí, ông Tô Lâm có đủ khả năng để đánh bay Tứ trụ, khi ông chưa phải là Tứ trụ. Như thế mới thấy, sức mạnh của ông lớn đến mức nào.
Phần còn lại trong Bộ Chính trị có cả quân đội, vẫn đang loay hoay tìm giải pháp chống đỡ. Từ dư luận xã hội, cho đến thành phần có quyền lực trong Đảng, đều đang kỳ vọng vào một Bộ Quốc phòng đoàn kết, để trở thành một thế lực cân bằng, hạn chế được sức mạnh của Tô Lâm. Tuy nhiên, cho đến nay, quân đội vẫn chưa ra được đòn nào mang tính chất quyết định, nhắm vào phe Tô Lâm.
Còn 12 tháng nữa là đến Đại hội 14, nếu để phe Tô Lâm chiếm cả 2 ghế trống còn lại trong Bộ Chính trị, thì xem như, phần còn lại trong tổ chức này đã đầu hàng Tô Lâm. Cán cân đang nghiêng về phe Tô Lâm, không biết phần còn lại của Bộ Chính trị có giải pháp gì khả dĩ, để cứu lấy vị thế “siêu quyền lực” hay không?
Thời gian sẽ trả lời.
Thái Hà – Thoibao.de