HCM – tiền đạo “què” khi vào “kỷ nguyên mới”!

“Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, là lời hô hào mới của Tô Lâm. Với bộ máy tuyên truyền khổng lồ trong tay, chính sách “tinh giản bộ máy” đã được ca tụng, như là liều “thần dược”, giúp Việt Nam trở thành “Thánh Gióng”.

Muốn vươn mình thì phải xoá bỏ hết những điều đã làm cho đất nước mạt rệp, chậm tiến. Đó là điều cần thiết.

Lịch sử thế giới cho thấy, độc tài Cộng sản chính là nguyên nhân khiến các nước theo chủ thuyết này trở nên đói nghèo và lạc hậu. Nhìn lại Cuba và Bắc Hàn thì thấy nguyên nhân này rất rõ. Hai quốc gia này giữ nguyên bản thể chế chính trị và thể chế kinh tế, theo mô hình Cộng sản, mặc kệ dân khốn khổ, thiếu ăn, và bị cách ly với những giá trị văn minh tiến bộ của nhân loại.

Trung Quốc và Việt Nam tuy giữ thể chế chính trị độc tài Cộng sản, nhưng có cải cách về thể chế kinh tế, nên mới thoát khỏi sự đói nghèo. Tuy nhiên, vì là cải cách nửa vời, nên sự phát triển chưa bằng ai thì đã chững lại. Trung Quốc nhờ quản lý tốt, nên tiến bộ hơn Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình và khó có thể vượt qua cái bẫy này. Về văn hóa, Trung Quốc khó có thể trở thành một xã hội văn minh, người Trung Quốc ra nước ngoài, cư xử như những kẻ kém văn hoá.

Khẩu hiệu “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được bắt đầu từ chính sách – tinh giản bộ máy. Nhưng chưa kịp thực hành, thì Bộ Nội vụ đã ra một chính sách cản đường. Có thể thấy, việc không thể đồng bộ chính sách, là một câu chuyện dài nhiều tập, và cũng là điểm yếu cố hữu của chế độ. Nói thẳng ra, “không đồng bộ chính sách”, nghĩa là, ông này làm, ông kia phá. Đó là nguyên nhân chính khiến mọi chính sách lớn nhỏ đều thất bại.

Bài học dễ thấy nhất là chuyện làm đường. Ông xây dựng vừa rải nhựa, thì ông cấp nước tới đào lên, làm tan nát đường phố. Đáng nói là, vấn đề này không được khắc phục từ nhiều thập kỷ, và vẫn tiếp tục chừng nào còn chế độ Cộng sản.

Sáng 23/12, tại kỳ họp Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, của Quốc hội và Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đã ví von rằng, thành phố sẽ “đá tiền đạo” trong  “Kỷ nguyên mới”.

Có lẽ, ông Mãi ví von rằng, thành phố sẽ là dẫn dắt trận đấu, để chính sách của ông Tô Lâm được thực hiện.

Không nghi ngờ gì, nếu thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí “tiền đạo”, thì có lẽ, đây là “tiền đạo què”. Bởi chính thành phố này đang phải gồng mình, để gánh cho những tỉnh nghèo ăn hại, ỉ lại vào tiền bao cấp mà phung phí vào các công trình vô bổ.

Được biết, năm nào thành phố Hồ Chí Minh cũng bị Trung ương tước mất 82% nguồn thu của thành phố, cho ngân sách nhà nước.

Nếu thành phố Hồ Chí Minh là “tiền đạo”, thì tiền đạo này chỉ sử dụng được 18% phong độ. Vậy làm sao có thể ghi bàn, để đưa đất nước này vào “kỷ nguyên mới”? Không một tiền đạo nào bị đồng đội tước mất 82% mà còn đủ nội lực để gánh vác được sự kỳ vọng.

Thật ra, việc cho thành phố tự chủ về ngân sách, là cách tối ưu để cho thành phố này có thể gánh vác trách nhiệm phát triển. Những đồng tiền thuế của dân quay lại xây dựng thành phố, thì thành phố sẽ trở thành viên ngọc sáng, thu hút đầu tư. Thay vì nuôi những “đứa con hư”, để họ vừa phung phí, vừa ngửa tay xin tiền Trung ương.

Nói chung, nỗ lực của người dân thành phố này bị Trung ương phá nát. Đấy là vấn nạn từ nhiều năm nay, rất nhiều lời chỉ trích từ giới chuyên môn, nhưng nhà cầm quyền vẫn không khắc phục.

Chẳng có tiền đạo nào đá tốt, khi đằng sau họ là cả một dàn đồng đội không những không nỗ lực đồng bộ, mà còn kéo chân. Thành phố này không què thì cũng kiệt sức.

 

Trần Chương – Thoibao.de