Ngày 18/12, truyền thông quốc tế đưa tin, facebooker Trần Mai Sơn một người nổi tiếng với các bài phân tích về hãng xe ô tô VinFast và tập đoàn Vingroup, đã phải trốn khỏi Việt Nam để xin tị nạn, sau khi ông này gặp rắc rối với công an Việt Nam liên quan đến việc này.
Lâu nay, ông Tô Lâm đã được công luận đánh giá là người có mối quan hệ “đặc biệt” với Tập đoàn Vingroup, và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Nhật Vượng.
Một số nguồn tin quốc tế đã đề cập đến mối quan hệ giữa các quan chức cấp cao Việt Nam và Vingroup. Theo Financial Times, trong một bài bình luận đã đánh giá Vingroup được các quan chức trong Chính phủ Việt Nam bảo vệ để đạt được nhiều thuận lợi trong kinh doanh.
Bài báo cũng đề cập đến việc, Vingroup sử dụng các biện pháp để kiểm soát thông tin bất lợi. Theo đó, Bộ Công an Việt Nam đã liên tiếp tiến hành xử phạt, hay mời làm việc với một số cá nhân, bị cho là tung tin thất thiệt về Vingroup trên mạng xã hội.
Theo giới quan sát, một số bài viết về Vingroup, đặc biệt là những thông tin tiêu cực hoặc chỉ trích, đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng xã hội ở trong nước. Điều này đã dẫn đến suy đoán về sự can thiệp từ phía cơ quan chức năng nhằm bảo vệ lợi ích cho tập đoàn này.
Với lý do cho rằng, những thông tin này đã ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của doanh nghiệp, cũng như tác động xấu đến thị trường chứng khoán.
Bộ Công an cũng đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các tin đồn bất lợi liên quan đến Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng. Vào tháng 7/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, khẳng định rằng ông Phạm Nhật Vượng không bị cấm xuất cảnh, và Vingroup đang hoạt động bình thường là một ví dụ.
Đây không phải là vấn đề mới, mà đã từ lâu, mối quan hệ mờ ám giữa ông Tô Lâm và Vingroup đã được loan truyền rộng rãi ở Việt nam. Vụ án “đình đám” MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), đã là một tai tiếng rất lớn của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Đây là một trong những vụ tham nhũng lớn, có tổ chức, liên quan đến nhiều quan chức cấp cao và doanh nhân. Cụ thể, năm 2015, MobiFone, một Doanh nghiệp nhà nước, đã quyết định mua 95% cổ phần của Công ty AVG của ông Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với giá gần 8.900 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, AVG khi đó đang gặp khó khăn tài chính, kinh doanh thua lỗ và nợ nần. Việc mua bán này được thực hiện đầy “khuất tất”, không tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư công.
Đáng chú ý, AVG vào thời điểm được MobiFone mua lại, là một công ty gặp khó khăn tài chính, với khoản lỗ lũy kế 1.500 tỷ đồng và nợ vay 1.700 tỷ đồng. Thậm chí, dư luận cho rằng AVG “đúng là một xác chết, cho cũng không ai nhận”.
Để thúc đẩy thương vụ, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã hối lộ nhiều các quan chức liên quan, bao gồm: Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn với số tiền 200.000 USD; và nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà 2,5 triệu USD. Ngoài ra, còn có nhiều các quan chức cấp dưới khác.
Tháng 12/2019, Tòa án Hà Nội đã tuyên án: Bị cáo Nguyễn Bắc Son tù chung thân; Trương Minh Tuấn 14 năm tù; Lê Nam Trà 23 năm tù… Bị cáo Phạm Nhật Vũ, mặc dù hưởng lợi lớn từ thương vụ này, phạm tội đưa hối lộ số tiền lớn, nhưng chỉ bị kết án vỏn vẹn 3 năm tù.
Vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG được coi là một sự lãng phí, gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước và nền kinh tế, đã cho thấy sự cấu kết của các quan chức với nhóm lợi ích, trong đó có sự tiếp tay của ông Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de