Nắm vũ lực mạnh hơn, vì sao Phan Văn Giang lại lép vế so với Tô Lâm?

Ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng bao giờ cũng vượt trội hơn so với Bộ Công an. Số uỷ viên Trung ương Đảng của quân đội cũng đông hơn công an, khoảng gấp 10 lần. Số uỷ viên Bộ Chính trị của quân đội thường cũng nhiều hơn hoặc bằng Công an. Tuy vậy, trên vũ đài chính trị hiện nay, quân đội đang lép vế hơn so với công an.

Thực tế, các tổng bí thư Đảng Cộng sản luôn sợ quân đội làm phản hơn là công an. Từ thập niên 1970 trở về trước, khi ông Võ Nguyên Giáp còn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông kiêm luôn chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Tuy nhiên, sau khi ông Lê Duẩn lên Tổng Bí thư, ông đã tìm mọi cách để đoạt lấy chức Bí thư Quân ủy Trung ương, nhằm kiểm soát quân đội. Đến năm 1977, chức Bí thư Quân ủy Trung ương chính thức chuyển từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sang Tổng Bí thư.

Việc ông Lê Duẩn đoạt lấy chức Bí thư Quân ủy Trung ương, nhằm 2 mục đích. Thứ nhất là kiểm soát quân đội để tránh bị đảo chính; thứ nhì là loại ông Võ Nguyên Giáp ra khỏi vũ đài chính trị, bởi ông Giáp được xem là cùng phe với ông Hồ Chí Minh.

Đến năm 1984, ông Lê Duẩn trả lại chức Bí thư Quân uỷ Trung ương cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vị Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn đó là ông Văn Tiến Dũng – thuộc phe Lê Duẩn, và không ưa gì ông Võ Nguyên Giáp.

Từ năm 1986, ông Trường Chinh lên thay Lê Duẩn sau khi ông Duẩn mất, và lấy lại chức Bí thư Quân ủy Trung ương về tay Tổng Bí thư. Từ đó, chức Bí thư Quân ủy Trung ương được quy định dành cho Tổng Bí thư Đảng.

Việc bộ trưởng Bộ Quốc phòng không đứng đầu Bộ về mặt Đảng, xem như mất đi 50% sức mạnh. Vì thế, nếu bộ trưởng Quốc phòng nào muốn thực hiện ý đồ riêng thì đều rất khó, bởi đã bị khống chế về mặt Đảng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang.

Ngược lại, trong 8 năm làm Bộ trưởng Bộ công an, ông Tô Lâm kiêm Bí thư Đảng uỷ Bộ Công an. Như vậy, sức mạnh mà ông có được trong Bộ Công an là 100%, và nhờ đó, trong 8 năm, ông đã âm thầm xây dựng một hệ sinh thái quyền lực cho riêng mình.

Tại Bộ Quốc phòng, trước đây, Bộ trưởng Phan Văn Giang bị ông Nguyễn Phú Trọng giám sát, và bây giờ lại đến lượt ông Tô Lâm. Do đó, rất khó để ông Giang có thể xây dựng thế lực riêng cho mình.

Từ thời ông Lê Duẩn trở đi, thì các vị tổng bí thư luôn e ngại quyền lực của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó là lý do, sau khi ông Duẩn mất, không tổng bí thư nào dám giao chức Bí thư Quân ủy Trung ương cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bởi một khi, Bộ Quốc phòng muốn đảo chính, thì họ sẽ làm đảo chính vũ trang, chứ không phải đảo chính mềm như Tô Lâm đã làm.

Được biết, chức năng của Quân ủy Trung ương là nghiên cứu, đề xuất, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quyết định những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, cơ yếu; lãnh đạo mọi mặt trong quân đội. Nghĩa là, Quân uỷ Trung ương chịu sự chi phối của Bộ Chính trị và Ban bí thư về đường lối. Về nhân sự, Bộ trưởng Quốc phòng khó có thể bổ nhiệm theo ý muốn, vì Bí thư Quân ủy Trung ương sẽ ngăn cản, nếu thấy không vừa ý.

Thời gian gần đây, sau khi ông Tô Lâm thâu tóm quyền lực và chi phối toàn Đảng, các nhóm quân đội cũng manh nha liên kết lại, để hình thành đối trọng về quyền lực. Tuy nhiên, dù liên minh trong Bộ Quốc phòng có được thành lập, thì mối ràng buộc cũng khó chặt chẽ, bởi trong Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương là có tiếng nói mạnh nhất. Đấy là chưa kể đến nhân tố Hưng Yên trong Bộ Quốc phòng, gồm 1 Thượng tướng Thứ trưởng và 1 Trung tướng Tư lệnh Quân khu. Tất cả đều đang muốn kết nối với ông Tô Lâm, để phá vỡ thế thượng phong của nhóm Phan Văn Giang và Lương Cường.

Hoàng Phúc – Thoibao.de