Trương Mỹ Lan dính án tử, khối tiền vuột tay tòa, chạy sang tay cai ngục?

Ngày 3/12, Tòa án Nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tuyên án, đối với phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1, xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Đáng chú ý, bà Trương Mỹ Lan bị y án tử hình – mức án cao nhất. Mặt khác, về trách nhiệm dân sự, bản án tiếp tục buộc bị cáo Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB, dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại, tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.800 tỉ đồng.

Trong lần nghe tuyên án này, bà Trương Mỹ Lan có vẻ bình tĩnh hơn lần trước.

Tại phiên phúc thẩm vẫn bị tuyên án tử, thì cũng chưa chắc, bà Lan sẽ bị thi hành án tử, bởi hậu phúc thẩm còn rất nhiều vấn đề đằng sau nó. Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, bên cầm cân công lý đòi giá quá cao, nên bà Lan không thể thỏa mãn họ được. Và y án tử là cái giá phải trả cho việc ngã giá bất thành. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan vẫn còn rất nhiều cơ hội để chạy giảm án.

Trong quá khứ, có doanh nhân từng bị tuyên án tử, nhưng cuối cùng lại về đoàn tụ với gia đình sau nhiều lần giảm án. Đó chính là ông Liên Khui Thìn – bị can cùng vụ với ông Tăng Minh Phụng, trong vụ đại án EPCO – Minh Phụng. Ông Thìn là Tổng Giám đốc Công ty Epco, còn ông Tăng Minh Phụng là Tổng Giám đốc Công ty Minh Phụng.

Bị tuyên án tử vào năm 1997, đến năm 2003 ông được giảm từ tử hình xuống chung thân. Tiếp đó, vào đầu năm 2008, ông được xét giảm án xuống còn 20 năm. Trên thực tế, ông Liên Khui Thìn chỉ ở tù 12 năm, thì được ra tù vào ngày  2/9/2009. Số phận khác nhau giữa ông Tăng Minh Phụng và ông Liên Khui Thìn, được cho là do chạy đúng chỗ, tìm đúng người.

Kể từ sau vụ án Epco – Minh Phụng, hầu như, không còn thi hành án tử nào đối với tội phạm kinh tế. Thực tế, tội phạm kinh tế thường có nhiều tiền, và họ cũng biết đường để “chạy”, nên cơ hội thoát án tử hình cao hơn những tội phạm khác.

So sánh một án tử nhưng chỉ ở tù 12 năm, với án tù 16 năm nhưng phải ở tù đến gần hết án mới được tha, của ông Trần Huỳnh Duy Thức, thì mới thấy sự bất công trong cái gọi là nền công lý Xã hội Chủ nghĩa này. Có tiền và chịu chi, thì án sẽ giảm, vấn đề là, giá cả như thế nào và khả năng xoay sở của các bên.

Người ở trong tù sẽ nhờ người nhà chạy chọt, nếu muốn giảm án. Tuy nhiên, mức án là do bên cầm cân ra giá, tùy thuộc vào từng đối tượng, từng loại án, mà bên bán đưa ra giá cao hay thấp. Việc “hét giá”, không có nghĩa là, các bên đều đồng thuận, mà phải có sự “cò kè bớt một thêm 2”, rồi mới ra cái giá cuối cùng.

Việc mua án cũng tùy thuộc từng giai đoạn. Giai đoạn mới bị bắt, còn tạm giam, thì chạy án ở cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát.

Giai đoạn xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) thì “chạy” án ở Viện Kiểm sát và Tòa án.

Giai đoạn sau đó, việc chạy án trở thành chạy ân xá. Lúc này, trại giam sẽ là nơi hưởng lợi, từ những tù nhân mà họ quản lý.

Bà Trương Mỹ Lan được xem là “chạy án” bất thành, vì các bên không đạt được sự thống nhất. Như vậy, miếng bánh “chạy án” từ Viện Kiểm sát và Tòa án, đã chuyển sang cơ quan công an, cụ thể là cơ quan quản lý nhà tù. Rất có thể, Tòa án và Viện Kiểm sát, vì tham ăn, đã đặt giá quá cao, nên hỏng ăn vụ án này.

Bà Trương Mỹ Lan dù bị bắt nhưng vẫn là đại gia, nếu hạ giá bản án, thì cũng thu về được một khoản không nhỏ. Đây là thời tranh ăn, nhưng cũng cần biết ăn miếng vừa miệng, nếu ngoạm miếng quá lớn, ắt sẽ nuốt không trôi, và cơ hội lại rơi vào tay kẻ khác.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de