Chơi trò tinh giảm biên chế, Tô Lâm đang thách thức toàn Đảng!

Thông tin trên mạng gần đây cho biết, sau khi các đài Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV và Truyền hình VTC, bị sáp nhập về đài Truyền hình Việt Nam VTV, thì sẽ có hơn 2.000 nhà báo bị vứt ra đường.

Sau khi sáp nhập, con ông cháu cha sẽ được giữ lại, và giao cho những chức vụ cao hơn. Ngoài ra, những người mạnh tiền mạnh bạc cũng sẽ chạy chọt ghế mới. Những người yếu thế còn lại, sẽ bị “vắt chanh bỏ vỏ” một cách không thương tiếc.

Đây chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh tổng thể của chính sách tinh giảm biên chế, do Tô Lâm đề xướng. Tình trang này cũng sẽ xảy ra trong mọi ban ngành, từ Trung ương đến địa phương. Năm triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đối mặt với một thử thách nghiêm trọng.

Dự là trong thời gian tới, khi chính sách trên bắt đầu thực hiện, thì chuyện chạy ghế trong Đảng, cầu sẽ vượt cung rất nhiều. Cung là những vị trí trong bộ máy nhà nước, còn cầu là những người muốn chạy vào các vị trí ấy. Khi cầu vượt cung, thì chắc chắn, thị trường buôn bán chức tước sẽ rất sôi động. Ghế sẽ tăng giá, và việc tranh ghế sẽ khốc liệt hơn.

Ngay cả một số vị trí bộ trưởng trong Chính phủ, hay các trưởng ban trong Ban Bí thư, cũng chịu chung số phận. Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải đấu tranh để giữ chức Bộ trưởng của Bộ mới, do 2 bộ này gộp lại. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phải chiến đấu với Trưởng ban Dân vận Trung ương, để giữ chỗ. Tất cả đều bị va chạm quyền lợi vì chính sách của Tô Lâm.

Trong số những người bị buộc phải đấu tranh sinh tồn ấy, chỉ có rất ít người được Tô Lâm ưu ái, đó là những thuộc hạ trong ê kíp quyền lực của ông. Số còn lại, nếu muốn chiến thắng, phải bỏ ra một số tiền rất lớn để chạy chỗ. Trong điều kiện cung thiếu hụt quá lớn so với cầu, thì chắc chắn một điều, việc chạy chức sẽ tốn rất nhiều tiền của các quan chức. Mất mát đó, ắt hẳn, họ sẽ đổ lỗi cho chính sách của Tô Lâm. Người thất bại trong cuộc chiến này thì cũng uất hận, vì Tô Lâm đã khiến họ phải “mất trắng”. Trong chế độ này, quyền lực sinh ra tiền, tước mất quyền lực là tước mất tiền bạc trong tay họ.

Do đó, sự chống đối Tô Lâm đang dần mạnh lên, sau khi ông quyết định thẳng tay thực hiện chính sách tinh giảm biên chế này. Nhưng với binh quyền trong tay, Tô Lâm dám thách thức tất cả, và đó chính là lý do khiến Tô Lâm dám làm chính sách động chạm này.

Không biết, sự chống đối này sẽ lớn mạnh, hay nhanh chóng bị dập tắt? Điều này còn tùy thuộc vào ngoại cảnh. Quan chức bị mất quyền lợi, có thể sẽ theo phe chống đối Tô Lâm, như vậy, với chính sách mất lòng đảng viên này, ông Tô Lâm sẽ đẩy rất nhiều người về phe đối thủ. Đấy chính là nguy cơ tiềm ẩn đối với phe Hưng Yên của Tô Lâm.

Đối với phe quân đội, đặc biệt là liên minh quyền lực giữa Tướng Lương Cường và Tướng Phan Văn Giang, nếu liên kết này đủ vững chắc, thì sẽ đón nhận không ít nạn nhân của Tô Lâm về dưới trướng. Không biết, liệu Lương Cường và Phan Văn Giang có đủ khả năng, giúp cho những nạn nhân của Tô Lâm một cơ hội “trả thù” hay không?

Chưa bao giờ trong Đảng lại chia rẽ như bây giờ. Nội bộ Đảng từ trước đến nay vẫn luôn tồn tại mâu thuẫn và phe nhóm, thời Nguyễn Phú Trọng đã có sự chia rẽ nhưng không nghiêm trọng như bây giờ. Lúc này, sân chơi quyền lực đang dần nhường chỗ cho hai thế lực vũ trang – là công an và quân đội. Các phe dân sự, muốn tồn tại thì phải thức thời, hoặc là ẩn nấp dưới trướng của một phe có súng, hoặc là chấp nhận bị loại.

Tô Lâm đang nắm giữ quyền lực cực lớn, nhưng cũng gây thù chuốc oán không nhỏ. Phe quân đội được kỳ vọng là thế lực cân bằng được với phe công an.

Chính trường khốc liệt, phe công an của Tô Lâm không dễ để hành động theo ý mình. Đặc biệt là chính sách động chạm tới quyền lợi của nhiều đảng viên mà Tô Lâm đang quyết tâm thực hiện.

 

Thái Hà – Thoibao.de