“Tứ trụ” gãy ghế và kế “diệt cỏ tận gốc” của Tô Lâm!

Với Vương Đình Huệ, sau cú ngã ngựa là hàng loạt động thái đánh bồi của Tô Lâm, nhằm hạ gục hẳn ông Huệ, không để ông giật dây sau hậu trường. Ban đầu là Đặng Quốc Khánh – cựu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, sau đó là Nguyễn Văn Thể bị lôi ra kỷ luật, để triệt hẳn mọi chức vụ mà ông này đang nắm giữ. Nói chung, các mối liên quan đến ông Huệ đều bị ông Tô Lâm cắt sạch, để tránh hậu hoạ.

Với một Vương Đình Huệ đa mưu túc trí, có một hệ sinh thái quyền lực đằng sau, thì Tô Lâm quyết diệt tận gốc rễ. Còn với ông Nguyễn Xuân Phúc, thì Tô Lâm lại từ từ cho lên thớt, hết lần này đến lần khác. Mỗi lần bị dọa cho lên thớt, là ông cựu Chủ tịch nước lại phải xén ra một phần tài sản, để mua lấy sự an toàn. Từ vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, đến vụ Trương Mỹ Lan vv… ông Phúc đều thoát hết. Ngược lại, ông phải tổn hao không ít, trong khối tài sản khổng lồ mà ông tham nhũng được, nhờ có quyền lực.

Với Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm không sợ ông này ngồi hậu trường giật dây. Bởi cựu Chủ tịch nước vốn thân cô thế cô, so với Vương Đình Huệ. Ông Phúc không có hệ sinh thái quyền lực rải khắp như ông Huệ. Nhưng ông có khối tài sản khổng lồ – thứ mà ông Tổng Bí thư có thể nhắm vào.

Trường hợp ông Võ Văn Thưởng lại khác. Ông Thưởng được cả giới phân tích và giới quan chức đánh giá là khá hiền và lành tính. Ông cũng có sân sau, và cũng “ăn bẩn” như mọi quan chức khác, nhưng quy mô sân sau của ông không lớn như những người khác. Ông Thưởng bị ông Tô Lâm đánh cho ngã ngựa, vì ông là phương án 2 cho ghế Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Tô Lâm muốn chiếm ghế, nên phải đánh gãy cả phương án 1, lẫn phương án 2, thì mới có thể thành công. Vì vậy, lợi thế được ông Trọng cưu mang, lại trở thành thảm họa đối với ông cựu Chủ tịch nước này.

Ông Thưởng không có hệ sinh thái quyền lực riêng như ông Huệ, cũng không có khối tài sản quá lớn như ông Phúc. Tuy nhiên, ông Thưởng lại xui xẻo, bởi ông dám giở trò “ma lanh”, muốn qua mặt Tô Lâm để không nhận án kỷ luật. Lý do “cáo bệnh” để trốn lệnh triệu tập, là lý do “xưa như trái đất”, không thể qua mặt được Tô Lâm.

Nếu ông Tô Lâm để ông Thưởng qua mặt dễ dàng, thì sẽ lại trở thành một tiền lệ mới, tổn hại đến quyền uy của ông. Và ông Tô Lâm “tương kế tựu kế”, dựa vào việc cáo bệnh của ông Thưởng để triệt hạ thẳng tay, bằng cách cấm ông Thưởng xuất cảnh, kể cả đi ra nước ngoài chữa bệnh.

Xem ra, cái lý do củ chuối “cáo bệnh” của ông Thưởng, đã mang lại rắc rối cho ông, nhiều hơn là lợi ích.

Đấy là cách mà ông Tô Lâm xử lý từng “Tứ trụ” gãy ghế. Trước đây, khi ông Nguyễn Phú Trọng truyền tấn công một ai đó, thì sau khi thành công, đối thủ đã gãy ghế, ông Trọng thường cho họ hạ cánh an toàn.

Tuy nhiên, Tô Lâm lại làm khác. Qua 3 trường hợp vừa nêu trên, cho thấy, ông có thể thẳng tay, triệt hạ “sát ván” những người đã ngã ngựa, không tha một ai. Ông phân loại đối thủ để dùng cách xử lý khác nhau với từng người. Mục đích là tránh những hậu hoạn về sau.

Võ đài chính trị nay đã khác xưa, mức độ đối kháng mạnh hơn, cách ra đòn thâm hiểm hơn, quyết liệt hơn. Với Tô Lâm, dù đối thủ đã đo ván, ông vẫn cho phép tiếp tục “quật”. Nói chung, võ đài đã không còn “luật lệ” nào nữa, mà diễn ra theo ý của kẻ chiến thắng.

So về mức độ khốc liệt, thời Tô Lâm sẽ chỉ gia tăng, không có chuyện giảm xuống. Vậy nên, các đối thủ chính trị của Tô Lâm cần phải chuẩn bị tư thế, đừng nghĩ đã ngã ngựa là có thể an toàn. Với Tô Lâm, dù anh đã bị ngã ngựa, thì vẫn có thể “ăn đấm”, cho đến khi nào “bất động” mới thôi.

 

Trần Chương – Thoibao.de